Phân tích cổ phiếu DPM – Cty cổ phần đạm Phú Mỹ
Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí (Đạm Phú Mỹ – mã cố phiếu DPM) là công ty đầu ngành trong ngành phân bón Việt Nam hiện nay. Vì là cổ phiếu bluechip nổi tiếng trên thị trường chứng khoán – một công ty có cơ bản rất tốt hoạt động trong một ngành nghề chiến lược của Việt Nam nên ở đây không đi sâu vào phân tích chi tiết công ty Đạm Phú Mỹ mà chỉ nêu ra vài đánh giá về công ty trong thời điểm công ty đang gặp thách thức chi phí đầu vào tăng và giá bán đầu ra sụt giảm.
Cổ phiếu DPM có tốt không?
Với những gì công ty cổ phần Đạm Phú Mỹ thể hiện trong giai đoạn 2009-2012, có thể nói công ty Đạm Phú Mỹ (DPM) là một công ty rất tốt đứng đầu trong một ngành nghề có thế mạnh ở Việt Nam.
Doanh thu và lợi nhuận của DPM đến năm 2012 đã tăng lần lượt gần 200% (gấp 2 lần) và 250% (gấp 2,5 lần) so với năm 2009. Công ty nắm giữ thị phần lớn trong ngành phân bón (hơn 40% thị phần cả nước) và hoạt động kinh doanh rất tốt chỉ với ít nợ nần. Lượng tiền mặt công ty hằng năm luôn gia tăng tạo điều kiện cho công ty duy trì mức tỷ lệ trung bình hằng năm ở mức khá cao 25%.
Từ lúc lên sàn cuối năm 2007 đến nay, DPM chưa một lần phát hành cổ phiếu nào để làm loãng lượng cổ phiếu lưu hành. Cổ đông lớn là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam(PVN) nắm giữ trên 60% và các cổ đông nước ngoài (quỹ đầu tư ngoại) nắm giữ khá nhiều là một điểm cộng cho công ty Đạm Phú Mỹ.
Chỉ với vài phân tích về tài chính và ngành nghề hoạt động, có thể thấy DPM có đặc điểm gần giống với cổ phiếu VNM của công ty cổ phần sữa Việt Nam. Cả hai đều là những công ty đầu ngành hoạt động trong những ngành nghề hấp dẫn nhất, cả hai đều là những bluechip trên thị trường chứng khoán với các đặc điểm cơ bản rất tốt và minh bạch.
Tình hình DPM hiện nay
Không phải đến hiện nay mà kể từ năm 2013, công ty đạm Phú Mỹ mã cổ phiếu DPM đã gặp phải thách thức không nhỏ là giá khí đầu vào tăng và giá bán sản phẩm ra giảm cộng với lợi nhuận tiền gửi sụt giảm do lãi suất giảm. Cả ba nguyên nhân xảy ra cùng lúc tất nhiên đã đẩy biên lợi nhuận của DPM giảm xuống mức thấp. Cụ thể là chi phí đầu vào tăng và giá bán giảm đã khiến doanh thu và lợi nhuận của DPM năm 2013 sụt giảm khoảng 25% lần lượt từ mức 13.906 tỷ xuống còn 10.807 tỷ và từ mức 3.016 tỷ xuống còn 2.215 tỷ đồng.
Trong năm nay 2014, ba yếu tố này tiếp tục là lý do làm cho lợi nhuận của DPM giảm xuống. Chính vì vậy mà HĐQT của công ty đạm Phú Mỹ đã phải đề ra kế hoạch lợi nhuận năm 2014 thận trọng ở mức 1.219 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Riêng kết quả kinh doanh dự kiến 6 tháng đầu năm 2014, DPM công bố dự kiến đạt 5.050 tỷ đồng tổng doanh thu và 660 tỷ đồng lợi nhuận, lần lượt hoàn thành 58% và 54% kế hoạch năm. Mức giảm trên chủyếu do giá bán phân ure sụt giảm mạnh so vớinăm trước. Cụthể, giá phân ure thế giới đã giảm 22% từ mức 410 xuống còn 320 USD/tấn và giá phân ure nội địa giảm 25% từmức 9.600 đồng/kg xuống còn 7.200 đồng/kg. Thêm vào đó, kể từ 1/4/2014 giá khí đầu vào (chiếm 70% giá thành sản xuất của DPM) ước tính tăng lên mức 7,5USD/triệu BTU, làmbiên lợi nhuận gộp giảm 13% so với cùng kỳ2013. Cộng với lợi nhuận từ hoạt động tài chính ước giảm 39% do lãi suất tiền gửi giảm nên lợi nhuận sau thuế Q2/2014 chỉ đạt khoảng 280 tỷ, giảm 69%. Do giá phân bón chưa thể cải thiện ngay cộng với giá khí đầu vào chưa giảm nên lợi nhuận của DPM thời gian tới sẽ chưa thể tăng trưởng mạnh.
Triển vọng của DPM trong thời gian tới
Theo cách tính giá khí mới từ 1/4/2014, giá khí bán cho Nhà máy Đạm Phú Mỹ được tính theo công thức bằng 46% giá dầu FO tại thị trường Singapore cộng với phí vận hành, vận chuyển, tương đương mức tăng khoảng 12,5% so với trước.
– Về chi phí đầu vào, khi giá khí tăng sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của DPM vì khí chiếm 70% giá thành Đạm Phú Mỹ. Theo công thức mới này, DPM đang mua khí với giá 7,5 USD/MMBTU. Nếu giá khí cứ tăng 1 USD/MMBTU thì DPM tăng chi phí đầu vào 400 tỷ đồng, tương ứng giảm lợi nhuận 400 tỷ đồng. Với mức tăng 12,5% giá khí đầu vào, tương ứng tăng 8,4% chi phí giá thành làm lợi nhuận cũng giảm tương ứng. Tuy nhiên, biểu đồ giá dầu FO và giá urê khá tương đồng, giá khí tăng thì giá urê cũng tăng, nên vẫn đảm bảo tỷ lệ lợi nhuận.
– Về mặt nội tại của doanh nghiệp, thị trường urê có sự cạnh tranh mạnh mẽ từ 2 năm nay, khi nhà máy Ninh Bình và Cà Mau đi vào hoạt động, nhưng DPM vẫn giữ vững thị phần với 25% ở miền Bắc, 70 – 75% ở miền Trung-Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, 35% tại Tây Nam Bộ. Tính chung cả nước, DPM chiếm 40% thị phần phân đạm. Nhà máy luôn vận hành hơn 100% công suất và toàn bộ sản phẩm làm ra đều được tiêu thụ một cách hiệu quả.
– Về tiềm năng ngành sản xuất phân bón: So với mức đỉnh 500 USD/tấn năm 2012 thì hiện nay giá urê trên thế giới có chiều hướng đi xuống. Vấn đề là giảm ở mức độ nào và trong bao lâu. Nếu giá thế giới duy trì ở mức 350 USD/tấn FOB thì ngành sản xuất phân bón vẫn có tỷ lệ lợi nhuận chấp nhận được.
– Sự phát triển của doanh nghiệp cũng như một con người, có lúc thăng lúc trầm giống như biểu đồ hình sin. Tuy nhiên, quan trọng là hình sin đi lên hay đi xuống. DPM hiện đang chững lại, nhưng chững lại để chuyển sang một giai đoạn phát triển mới với hình sin đi lên. Đến cuối năm 2016, đầu năm 2017, việc hoàn thành các dự án đang đầu tư sẽ đưa DPM lên nấc thang tăng trưởng mới. Khi hai dự án mới này đi vào hoạt động sẽ đóng góp doanh thu khoảng 4.500 tỷ đồng và lợi nhuận khoảng 700 tỷ đồng mỗi năm. Mỗi năm, nước ta phải nhập khẩu hơn 300.000 tấn NH3 và 500.000 tấn NPK chất lượng cao, trong khi nhà máy của chúng tôi khi đi vào hoạt động cũng chỉ cung ứng cho thị trường 45.000 tấn NH3 và 250.000 tấn NPK chất lượng cao.
– Sự chuyển hướng ưu tiên vốn và nguồn lực phát triển của Nhà nước từ các ngành bất ổn và mang tính đầu cơ cao như bất động sản, tài chính, … sang các ngành có thế mạnh của quốc gia như nông nghiệp, công nghệ cao có thể giúp DPM hưởng lợi từ chính sách. Cộng thêm hoạt động quy hoạch lại ngành phân bón và hóa chất, thanh tra và xử lý các doanh nghiệp phân bón giả của các cơ quan quản lý là tiền đề để DPM tăng trưởng trở lại trong tương lai.
– Cần nhớ thêm rằng công ty Đạm Phú Mỹ (cổ phiếu DPM) hiện là công ty có hệ thống phân phối mạnh nhất trong ngành phân bón Việt Nam – hệ thống mà công ty đã mất 10 năm mới xây dựng được. Liệu các công ty phân bón khác và ngay cả công ty Đạm Cà Mau mới ra đời có thể làm được như DPM hoặc thắng hệ thống phân phối mạnh của DPM không?
Thị giá của DPM hiện nay có hấp dẫn?
Về phân tích cơ bản, cổ phiếu DPM đã là một cổ phiếu tốt. Còn việc biến động đầu vào và đầu ra theo chiều hướng bất lợi là việc không doanh nghiệp nào không gặp phải trong chu kỳ kinh doanh.
Trong thời điểm thị trường chứng khoán thời gian qua, giá cổ phiếu DPM đã rơi một mạch từ mức đỉnh 49.000đ/cp về mức giá tầm 32.000đ/cp tương đương mức giảm khoảng 35%. Đây là một mức giảm khá lớn dành cho một cổ phiếu thuộc hạng bluechip trên thị trường trong khi các mã bluechip khác lại tăng giá hoặc giữ giá tương đối. Lý do giảm của DPM chủ yếu là do khối ngoại nắm giữ DPM bán ra để cơ cấu danh mục đầu tư.
Một câu hỏi đặt ra là với mức giá khoảng 32.000đ/cp hiện nay của cổ phiếu DPM, liệu giá cổ phiếu của DPM có được coi là mức giá chấp nhận được không?
Trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, khó khăn là khó khăn chung của các doanh nghiệp nên lợi nhuận kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp đều sụt giảm. Chính vì thế mà chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế theo kế hoạch của các công ty đều đặt ra ở mức dè dặt, kể cả các công ty lớn. Vì thuộc hạng bluechip và là cổ phiếu đã có cơ bản tốt, ta có thể lấy mức lợi nhuận đề ra theo kế hoạch của các bluechip để so sánh giá cổ phiếu DPM với giá cổ phiếu của một số bluechip khác như BVH, HAG, HPG,…. Ta sẽ dùng chỉ số P/E để thực hiện phép so sánh nhanh tương đối giữa các cổ phiếu bluechip.
Ví dụ cổ phiếu BVH, lợi nhuận sau thuế theo kế hoạch công ty đề ra cho năm 2014 là 1.180 tỷ đồng. Với mức giá 42.000đ/cp vào ngày tác giả viết bài và số lượng cổ phiếu đang lưu hành của cổ phiếu BVH là khoảng 680 triệu cp, chỉ số EPS của BVH =1.180/680=1.700đ/cp tương đương với chỉ số P/E = 42.000/1.700=25 lần.
Với cổ phiếu HAG, lợi nhuận sau thuế theo kế hoạch công ty đề ra cho năm 2014 là 1.460 tỷ đồng. Với mức giá 25.100đ/cp vào ngày tác giả viết bài và số lượng cổ phiếu đang lưu hành của cổ phiếu HAG là khoảng 718 triệu cp, chỉ số EPS của HAG =1.460/718=xấp xỉ 2.000đ/cp tương đương với chỉ số P/E = 25.000/2.000=12,5 lần.
Với cổ phiếu HPG, lợi nhuận sau thuế theo kế hoạch công ty đề ra cho năm 2014 là 2.200 tỷ đồng. Với mức giá 55.000đ/cp vào ngày tác giả viết bài và số lượng cổ phiếu đang lưu hành của cổ phiếu HPG là khoảng 481 triệu cp, chỉ số EPS của HPG =2.200/481=xấp xỉ 4.600đ/cp tương đương với chỉ số P/E = 55.000/4.600=12 lần.
Và bây giờ ta tính cho cổ phiếu DPM, lợi nhuận sau thuế theo kế hoạch công ty đề ra cho năm 2014 là 1.219 tỷ đồng. Với mức giá 32.500đ/cp vào ngày tác giả viết bài và số lượng cổ phiếu đang lưu hành của cổ phiếu DPM là khoảng 380 triệu cp, chỉ số EPS của DPM =1.219/380=xấp xỉ 3.250đ/cp tương đương với chỉ số P/E = 32.500/3.250=10 lần.
Như vậy, có thể thấy trong định giá nhanh theo P/E cổ phiếu DPM cho thấy sức hấp dẫn tương đối về giá hiện nay so với một số cổ phiếu bluechip khác. Ngoại trừ BVH và HAG có cơ bản chưa được tốt ra thì HPG là cổ phiếu cơ bản tốt có thể so sánh được với DPM về các yếu tố như vị trí đầu ngành, hệ thống phân phối mạnh nhất, tài chính tốt và triển vọng kinh doanh lâu dài,… thì với mức P/E tươngđương của HPG (khoảng 12 lần), giá cổ phiếu DPM ở mức = 12*3.250=xấp xỉ 38.000đ/cp là mức giá chấp nhận được.
———————————–
Ngày viết bài: 10/07/2014
Đánh giá DPM: 3 sao + (cổ phiếu khá tốt).
Bài viết là phân tích của tác giả nên chỉ mang tính tham khảo, không khuyến nghị mua hay bán cho mọi nhà đầu tư vì việc đầu tư cần được thực hiện theo nguyên tắc thận trọng liên quan đến giá mua cổ phiếu ở mức hợp lý.
Bài viết có bản quyền. Nếu bạn phát hành lại vui lòng ghi rõ nguồn hoặc để lại link bài viết gốc về phân tích cổ phiếu dpm. Xin cảm ơn.
( chungkhoanblog.com)