Cẩn trọng với những khoản phải thu đột biến
Bình luận: Việc xuất hiện các khoản phải thu với giá trị lớn trong thời gian gần đây tại nhiều công ty niêm yết cho thấy tình hình kinh tế khó khăn đến mức nào. Cần biết rằng phần lớn trong các khoản phải thu này là phần phải thu của khách hàng. Chính áp lực tăng trưởng lợi nhuận cho cổ đông hoặc ít nhất là không lỗ (vì sẽ ảnh hưởng đến giá cổ phiếu) đã khiến nhiều công ty chấp nhận bán hàng trả chậm cho khách hàng với thời gian trả tiền dài hơi hơn so với bình thường. Điều này là hết sức mạo hiểm và có thể là rủi ro cho đồng vốn của cổ đông. Nếu là một nhà lãnh đạo sáng suốt, lãnh đạo các công ty niêm yết không nên vì lợi nhuận ngắn hạn mà mạo hiểm như vậy. Cách tốt nhất cho họ là tìm lối đi riêng, không nên bắt chước những lãnh đạo khác theo cùng một phương cách khi gặp tình hình khó khăn. Còn đối với những nhà đầu tư chứng khoán, họ không nên để bản thân mình bị ru ngủ bởi những khoản lợi nhuận ròng tăng trưởng mà đi cùng với nó là những khoản vốn lớn bị chiếm dụng. Các nhà đầu tư nên tập trung vào những công ty nào có tỷ lệ khoản phải thu trên doanh thu thuần (KPT/DTT) thấp (thấp hơn 25% là hợp lý) và tỷ lệ khoản phải thu khách hàng trên lợi nhuận ròng (PTKH/LNST) thấp (thấp hơn 20% càng tốt).
(Theo Thanh Nụ – InFonet)
6 tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính với khoản phải thu tăng đột biến. Soi kỹ báo cáo tài chính cũng chỉ thấy thuyết minh chủ yếu là khoản phải thu khách hàng nhưng khách hàng nào thì… không nêu rõ.
Bên cạnh kết quả kinh doanh gây nhiều bất ngờ cho cổ đông khi lãi 6 tháng 1,302 tỷ đồng, PPCcũng là doanh nghiệp có khoản phải thu tăng mạnh trên 1,000 tỷ đồng, lên mức 2,451 tỷ đồng đến cuối tháng 6/2013. Đây đều là những khoản phải thu ngắn hạn của PPC với phần lớn là phải thu khách hàng và có 96 tỷ đồng khoản phải thu khác không được thuyết minh. Dù đây có thể là những khoản phải thu lặt vặt, nhỏ lẻ nhưng doanh nghiệp cũng cần nêu ra cụ thể để cổ đông có thể nắm rõ hoạt động của doanh nghiệp như thế nào.
NKG cũng là doanh nghiệp có khoản phải thu tăng mạnh tới 182% so với hồi đầu năm, lên mức 808 tỷ đồng khiến không ít nhà đầu tư đặt dấu hỏi. Trong đó, phải thu khách hàng 758.5 tỷ đồng, riêng Công ty TNHH Thép Trường Giang đã chiếm 475 tỷ đồng, tức chiếm tới 62.6%, còn lại NKG không nêu rõ khách hàng nào và khoản phải thu khác 21 tỷ đồng cũng là một “bí ẩn”.
Điều đáng nói, bà Trần Uyển Nhàn – Thành viên HĐQT NKG đồng thời là vợ của Chủ tịch Hồ Minh Quang, lại là người đại diện theo pháp luật của Thép Trường Giang. Hiện bà Nhàn đang sở hữu 21% vốn NKG, còn ông Quang nắm 20%. Còn theo thông tin hồi năm 2010, Thép Trường Giang là cổ đông lớn của NKG với tỷ lệ sở hữu 7.83%, tương đương 1.8 triệu cp.
Ngoài ra, kết quả kinh doanh 6 tháng của NKG cũng làm nhà đầu tư bất ngờ khi có lãi ròng tới 43 tỷ đồng, gấp 14.3 lần cùng kỳ. Theo giải trình của doanh nghiệp này thì nhờ các mặt hàng từ khâu sản xuất (mặt hàng có lãi gộp tốt) và doanh thu thương mại chiếm tỷ lệ rất thấp. Đây cũng là doanh nghiệp gây chú ý khi chỉ trong tháng 7/2012 mà có 2 lần thay đổi kế toán trưởng, tiếp đó tháng 11/2012 và tháng 1/2013 cũng thêm 2 lần thay đổi nhân sự này. Ngoài ra, trong năm 2012 NKG cũng dính đến nghi án giấu lỗ.
Chênh lệch khoản phải thu của PPC, NKG, VTF, PVS Đvt: Tỷ đồng |
Đối với VTF, khoản phải thu cũng tăng mạnh 96%, lên mức 843 tỷ đồng, trong đó có 138 tỷ đồng là bán thức ăn cá cho XNK Thủy sản An Giang (AGF) và hơn 16 tỷ đồng từ Hùng Vương (HVG). Trong khi đó, hiện HVG đang sở hữu 56% vốn VTF và 51% AGF.
Đặc biệt tại VTF, các khoản phải thu, hàng tồn kho, nhà máy sản xuất thức ăn, máy móc thiết bị và quyền sử dụng đất… đều đã được công ty thế chấp để vay ngân hàng. Đến cuối kỳ, tổng các khoản vay ngắn hạn của VTF ở mức 685 tỷ đồng, tăng 49% so hồi đầu kỳ. Kết quả kinh doanh của VTF trong 6 tháng qua cũng không mấy khả quan khi doanh thu tăng so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 18%, còn 69 tỷ đồng.
Ngược lại, cũng có khoản phải thu lớn nhưng PVS thuyết minh khá rõ ràng. Cụ thể, với khoản phải thu tăng thêm 1,700 tỷ đồng lên 7,208 tỷ đồng. Trong đó 5,590 tỷ đồng là phải thu khách hàng, còn 1,503 tỷ đồng phải thu khác lại chi tiết cụ thể tới gần 20 doanh nghiệp.
Còn nhớ, hồi cuối quý 1/2013, nhà đầu tư khác bất ngờ với khoản phải thu tại QCG lại liên quan đến 3 cá nhân gồm bà Chủ tịch và con gái và của cổ đông khác số tiền lên tới 76.5 tỷ đồng. Ngược lại, QCG cũng đã vay của các cá nhân này 146.7 tỷ đồng.
Việc không thuyết minh đầy đủ các khoản phải thu, đặc biệt là khoản phải thu khác của doanh nghiệp càng khiến cổ đông đặt nhiều câu hỏi?! Bởi ngoài kết quả lãi lỗ, cổ đông cũng cần được biết tính hợp lý hay rủi ro đối với các khoản phải thu đột nhiên tăng mạnh của doanh nghiệp ngoài tính thời vụ để có những chiến lược đầu tư phù hợp. Hay các giao dịch thương mại nội bộ nhằm làm lợi cho “sân sau” cũng cần được làm rõ khi đã là công ty đại chúng.
Được biết, trong một phát biểu gần đây về vấn đề sở hữu chéo, TS Nguyễn Thành Long – Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhận định, việc sở hữu chéo có thể dẫn tới các giao dịch bất hợp lý, phi thị trường giữa các tổ chức có quan hệ sở hữu lẫn nhau. Các giao dịch này có thể dẫn tới các hành vi chuyển giá, trốn thuế… Ngoài ra, việc sở hữu chéo ảnh hưởng tiêu cực tới công tác quản trị công ty. Tình trạng này có thể quan sát được qua các quyết định liên quan tới lợi ích nhóm, lợi ích của các thành viên HĐQT, ban điều hành đồng thời là đại diện phần vốn góp sở hữu chéo. Về lâu dài, tình trạng thiếu sự giám sát của các cổ đông sẽ làm sói mòn hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp…
(Theo Vietstock)